Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư ở hệ tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay. Thói quen ăn uống không khoa học, sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều chất hóa học độc hại đã làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư dạ dày. Khi được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này, bất cứ người bệnh nào cũng đều quan tâm đến việc bệnh có thể chữa khỏi không, nhất là với những trường hợp mới chỉ ở giai đoạn đầu. Vậy, bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu chữa được không?
Ung thư dạ dày, căn bệnh nguy hiểm đối với tính mạng con người
Ung thư dạ dày là là 1 trong 10 căn bệnh ung thư thường gặp nhất trên thế giới, có thể gặp ở cả nam và nữ. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 2 ở nam giới sau ung thư phổi, đứng thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Đây được xác định là bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao. Mỗi năm, trên thế giới có đến 800.000 ca tử vong do ung thư dạ dày gây ra.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra được một số yếu tố có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư dạ dày như: tuổi cao, di truyền từ người thân, nhiễm khuẩn HP, thói quen ăn các thực phẩm nhiều muối, hút thuốc lá quá nhiều, viêm teo niêm mạc dạ dày hay viêm dạ dày mãn tính…
Triệu chứng ban đầu khi mắc ung thư dạ dày rất mơ hồ, không đặc hiệu như đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói. Lúc đầu các triệu chứng thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần thường xuyên hơn. Bệnh càng lâu triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân rõ (mất 5-6 kg trong 6 tháng), hẹp môn vị (nôn thức ăn sau 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn bữa trưa), sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen…
Bệnh ung thư dạ dày thường phát triển qua 4 giai đoạn và ở mỗi giai đoạn, diễn biến bệnh sẽ khác nhau với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cũng khác nhau. Một khi bệnh ung thư dạ dày đã tiến triển đến giai đoạn 4 thì có thể di căn sang các bộ phận khác như gan, tụy, hạch bạch huyết và các cơ quan khác gây tiên lượng rất xấu với tỉ lệ tử vong cao.
Giải đáp thắc mắc: Đau dạ dày về đêm là bệnh gì?
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu chữa được không?
Thực tế cho thấy, bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện bởi các triệu chứng không rõ ràng. Đa số các trường hợp khi phát hiện mình bị ung thư dạ dày thường đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn khó có thể chữa trị được. Tuy nhiên, với những trường hợp thường xuyên quan tâm tới sức khỏe, đi xét nghiệm thường xuyên có thể phát hiện bệnh sớm, ngay ở giai đoạn đầu thì cơ hội điều trị thành công bệnh ung thư dạ dày sẽ cao hơn. Theo các số liệu thống kê cho thấy, bệnh ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và chữa trị ngay ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt từ 97,1 – 100%.
Hiện nay, với những trường hợp phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn đầu, các bác sĩ thường áp dụng những phương pháp chữa trị sau:
– Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị đầu tiên và chủ yếu đối với các ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày để loại bỏ bệnh ra khỏi cơ thể hoàn toàn.
– Hóa chất trị liệu: Phương pháp này sử dụng các loại thuốc chống ung thư đặc biệt. Người bệnh thường được sử dụng phối hợp các loại thuốc với nhau trong một tuần, sau đó nghỉ thuốc 2 hoặc 3 tuần rồi lại dùng tiếp. Ở giai đoạn đầu, phương pháp hóa trị liệu thường dùng để hỗ trợ cho phẫu thuật, tia xạ hoặc cả hai, nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể để tránh tái phát ung thư dạ dày sau này.
– Điều trị bằng tia xạ: Biện pháp này sử dụng các tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Các tia phóng xạ này được tính toán chính xác trên vị trí của ung thư để giảm tác hại đối với các mô lành. Trong ung thư dạ dày, biện pháp điều trị bằng tia xạ thường được áp dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Điều trị bằng tia xạ có thể được dùng cùng với hóa chất trị liệu để làm nhỏ khối u và làm giảm các triệu chứng.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nhấn mạnh, việc tiên lượng và điều trị bệnh ung thư dạ dày không chỉ phụ thuộc vào yếu tố cũng như giai đoạn bệnh mà còn phụ thuộc vào ý chí “chiến đấu” của người bệnh. Những người có tinh thần lạc quan, cố gắng điều trị bệnh theo đúng phác đồ thì cơ hội khỏi bệnh sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong của các trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn đầu cũng không phải là ít nếu phương pháp điều trị không hợp lý, người bệnh không kiên trì, tinh thần bị suy sụp.
Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo bản thân mỗi người nên chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện các triệu chứng bệnh, điều trị bệnh kịp thời ngay từ thời điểm mới bắt đầu, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân. Bạn cũng có thể tham khảo thêm ở cẩm nang sức khỏe 24h để tìm hiểu thêm các bệnh lý khác.
Để lại một phản hồi